fidelio beethoven

Tên nhân vật: Loại giọng hát

Leonore: Soprano
Florestan: Tenor
Rocco: Bass
Marzellinie: Soprano
Don Pizzaro: Bass

Giới thiệu

Ở thể loại opera Ludwig van Beethoven chỉ sáng tác duy nhất vở Fidelio và có lẽ tác giả đã dành cho nó nhiều thời gian và nỗ lực để sửa chữa và trau chuốt hơn so với bất kỳ tác phẩm nào khác của mình.

Libretto tiếng Đức của opera Fidelio do Joseph Sonnleithner viết dựa trên libretto tiếng Pháp của Jean-Nicolas Bouilly. Libretto của Bouilly vốn dành cho opera Léonore, ou L’amour conjugal (Léonore, hay tình yêu vợ chồng) của nhà soạn nhạc Pháp Pierre Gaveaux. Vở opera kể chuyện nàng Lénonore, một phụ nữ quý tộc quả cảm đã cải dạng nam nhi thành người gác tù Fidelio để cứu chồng mình là người tù chính trị Florestan thoát chết.

Opera Fidelio là một trong những tác phẩm trung tâm trong thời kỳ sáng tác giữa của Beethoven. Giống như các tác phẩm âm nhạc của ông trong thời kỳ này, nó nhấn mạnh vào chủ nghĩa anh hùng. Câu chuyện của Bouilly đã hấp dẫn Beethoven vì nó tạo ra những cơ hội để ông khắc họa bằng âm nhạc tính anh hùng ở các nhân vật chính trong cuộc đấu tranh dành tự do chính trị – điều đang diễn ra ở châu Âu trong thời đại ông.

Điều đặc biệt là opera Fidelio của Beethoven có những bốn phiên bản overture. Đó là các overture “Leonore” No.1; “Leonore” No.2; “Leonore” No.3 và overture “Fidelio”. Có lẽ đây là vở opera có nhiều phiên bản overture nhất từ trước tới nay.

Số phận của tác phẩm Fidelio

Tác phẩm được công diễn lần đầu vào ngày 20 tháng 11 năm 1805 tại nhà hát Theater an der Wien tại Vienna. Ở phiên bản dàn dựng này, opera Fidelio gồm ba màn và được mở màn bằng khúc nhạc mà ngày ta biết tới là overture “Leonore” No.2. Vào thời điểm đó thành phố Vienna đang bị quân đội Pháp chiếm đóng và phần đông khán giả trong nhà hát là các sĩ quan quân đội Pháp. Vì thế thành công của vở diễn đã bị cản trở rất nhiều.

Lần đầu công diễn không mấy thành công và áp lực của bạn bè đã buộc Beethoven phải chỉnh sửa lại vở opera và rút ngắn nó xuống còn hai màn thay vì ba màn như phiên bản ban đầu. Ông cũng viết một khúc mở màn mới cho lần dàn dựng tiếp theo mà ngày nay được biết tới là overture “Leonore” No.3. Ở hình thức này opera được công diễn lần đầu vào ngày 29 tháng 3 năm 1806. Lần này, vở diễn đã thu được thành công đáng kể.

Một năm sau đó, năm 1807, nhà hát opera ở Prague cũng lên kế hoạch dàn dựng opera Fidelio của Beethoven. Beethoven đã viết riêng cho Prague một phiên bản overture khác mà trong danh mục tác phẩm của Beethoven là overture “Leonore” No.1. Tuy nhiên mãi đến năm 1828 overture “Leonore” No.1 mới được vang lên lần đầu. Người ta đã tìm thấy tổng phổ của nó trong đống giấy tờ của Beethoven sau khi ông mất và ngày nay nó cũng rất hiếm khi được các dàn nhạc biểu diễn.

Những thất bại nối tiếp nhau của Napoleon trên khắp châu Âu trong những năm 1812-1814 đã kích thích người dân Vienna và cả Beethoven. Trong bầu không khí thắng lợi lan tỏa, nhà hát quyết định phục dựng opera Fidelio. Beethoven lại một lần nữa chỉnh sửa tổng phổ vở opera tâm đắc của mình và viết một overture mới cho lần dàn dựng năm 1814 này – overture “Fidelio”. Phần libretto cũng được nhà thơ và nhà viết kịch Georg Friedrich Treitschke sửa chữa lại.

Ngoại trừ overture “Leonore” No.1, ba overture còn lại đều có một đời sống riêng trong các phòng hòa nhạc khi được biểu diễn độc lập. Và ở hình thức biểu diễn độc lập này, overture “Leonore” No.3 được đánh giá là nặng ký nhất, là một trong những “kỳ quan vĩ đại nhất của nghệ thuật giao hưởng”. Nó bao hàm các yếu tố âm nhạc gắn bó mật thiết với đề tài truyện kịch, truyền tải thành công tư tưởng của truyện kịch – sự hi sinh quên mình vì công lý và tự do.

Tuy nhiên phiên bản overture thứ tư, overture “Fidelio”, mới là phù hợp nhất để trình diễn opera Fidelio. Ngày nay, các dàn dựng opera Fidelio trên thế giới thường được mở màn bằng overture “Fidelio”.

Phong cách sáng tác

Lấy hình thức sonata, overture “Fidelio” mở đầu bằng một cơn bùng nổ fortissimo (chơi cực mạnh) là một đoạn nhạc ngắn giới thiệu chủ đề chính. Giây lát sau, chủ đề chính này được kèn cor thể hiện. Sự kết hợp của kèn cor và dàn dây trình bày chủ đề thứ hai thậm chí còn mạnh mẽ hơn chủ đề đầu.

Phần trình bày chuyển sang phần phát triển mà không có phần lặp lại. Ngắn gọn và mãnh liệt, đoạn phát triển trở thành phần tóm tắt một cách gần như không thể nhận thấy và sự trở lại của những ô nhịp mở đầu đánh dấu sự bắt đầu của đoạn coda đầy hân hoan.

Overture “Fidelio” được viết ở giọng Mi trưởng trong khi vở opera và ba overture còn lại đều được viết ở giọng Đô trưởng. Nhưng Mi trưởng là một điệu thức mang màu sắc tươi sáng, tiên liệu được sự giải phóng của Florestan mà không cần thực sự trích dẫn âm nhạc từ vở opera như các overture khác. Aria của Leonore, “Komm, Hoffnung” (Tới đây nào hỡi niềm hi vọng), cũng được viết ở giọng Mi trưởng.

Tóm tắt nội dung vở opera

Màn 1

Tây Ban Nha, thế kỷ 18. Trong một nhà tù, Marzelline con gái của viên cai ngục Rocco từ chối sự quan tâm chăm sóc từ người phụ tá của cha mình, Jacquino (“Jetzt, Schätzchen, jetzt sind wir allein”). Từ lâu, Jacquino đã ấp ủ hy vọng kết hôn với Marzelline. Trong trái tim của cô gái trẻ này đã có hình ảnh của chàng thanh niên Fidelio, một người giúp việc (“O wär ich schon mit dir vereint”). Tuy đến sau nhưng Fidelio là một chàng trai chăm chỉ và ngay lập tức sự quan tâm của Marzelline khiến anh không thoải mái, đặc biệt kể từ khi nhận lời chúc phúc của Rocco. Fidelio trên thực tế là Leonore, một phụ nữ quý tộc của thành Seville. Cô đến cải dạng nam trang đến nhà tù để tìm chồng, Florestan, một tù nhân chính trị đang bị đày ải đến ốm nặng trong xiềng xích. Khi Rocco kể về một tù nhân bị ốm nặng nằm chờ chết dưới mái vòm của nhà tù, Leonore ngay lập tức nghi ngờ và linh cảm rằng đó chính là Florestan, chồng mình (“Ihl könnt das leicht sagen, Meister Rocco”). Vì thế, cô liền xin phép Rocco cho phép cô được xuống nhà tù cùng ông ta. Rocco đồng ý (“Gut, Söhnchen, gut”) bởi ở đây, ông ta có quyền lực chỉ sau giám đốc nhà tù Don Pizarro.
Cũng như những người lính tụ tập trong sân nhà tù, Pizarro nhận được bản thông báo gửi tới rằng Don Fernando, Quốc vụ khanh, sẽ trên đường tới duyệt binh tại pháo đài. Vì thế, Pizarro quyết định sẽ giết Florestan, kẻ thù của ông ta (“Ha, welch ein Augenblick!”), không đếm xỉa đến việc trì hoãn. Ông ta ra lệnh cho Rocco đẩy nhanh lưỡi hái tử thần đến với tù nhân trong ngục tối nhưng Rocco tỏ ra sợ hãi (“Jetzt, Alter, jetzt hat es Eile”). Leonore nghe lỏm được kế hoạch đó và hình dung được sự độc địa của Pizarro cũng như sự khốn khổ của người tù. Sau khi nguyện cầu cho có sức mạnh để hoàn tất việc cứu chồng mình (“Abscheulicher! Wo eilst du hin?”), Leonore thu hết hy vọng một lần nữa cầu xin Rocco cho phép được theo ông ta đến xà lim có người tù bị kết án và cho phép những người tù khác được hưởng một vài phút thoải mái trong sân nhà tù. Trước ân huệ bất ngờ, những người tù kinh ngạc và thích thú (“O welche Lust”) khi thoáng thấy bóng dáng của tự do. Tuy nhiên, tất cả lại an bài bởi Pizarro, người đã thúc giục Rocco thực hiện kế hoạch giết Florestan (“Ach, Vater, Vater, eilt!”). Với nỗi kinh hoàng, Leonore theo ông ta vào ngục tối.

Màn 2

Trong một xà lim tăm tối nhất của nhà tù, Florestan đang mơ thấy Leonore đến giải thoát cho anh (“Gott! Welch Dunkel hier!”). Nhưng khi mở mắt ra, anh cảm thấy hết sức tuyệt vọng và hoàn toàn kiệt sức. Rocco và Leonore bước tới và cái chết dường như đã rình rập đâu đây. Florestan không hề nhận ra vợ mình còn Leonore thì hầu như đánh mất bình tĩnh khi bắt đầu nghe thấy giọng nói thân thương, quen thuộc của chồng (“Euch werde Lohn in bessern Welten”). Florestan nhận lấy cốc rượu từ người cai tù còn Leonore đưa cho anh một mẩu bánh, đồng thời thuyết phục anh đừng đánh mất niềm tin. Rocco ngay sau đó đã thổi còi báo hiệu cho Pizarro là mọi việc đã sẵn sàng. Viên giám đốc nhà tù đã rút dao găm tấn công Florestan (“Er sterbe! Doch er soll erst wissen”) nhưng thật bất ngờ, Leonore đã buộc y phải ngừng ngay lại bằng một khẩu súng rút ra đúng lúc. Trong lúc này, tiếng kèn trumpet vang lên qua lỗ châu mai, báo hiệu Don Fernando đã đến. Rocco dẫn Pizarro ra khỏi xà lim để gặp Don Fernando còn Leonore và Florestan thì vô cùng vui mừng vì được gặp lại nhau (“O namenlose Freude!”) .
Trong sân của nhà tù, Don Fernando đã tuyên bố sẽ đem lại sự công bằng cho tất cả mọi người. Ông ta lấy làm sửng sốt khi Rocco đưa người bạn Florestan của ông ta tới gần và kể lại hết sức chi tiết về hành động dũng cảm của Leonore (“Wohlan, so helfet! Helft den Armen!”). Ngay lập tức, Pizarro bị bắt giữ còn Leonore tháo gỡ xiềng xích trên người chồng mình. Những người tù nhân khác cũng được hưởng tự do và tung hô ca ngợi Leonore, người phụ nữ quả cảm (“Wer ein holdes Weib errungen”).

Ngọc Anh & Thanh Nhàn (nhaccodien.info) dịch

Phụ đề việt ngữ
Tổng phổ

Bình luận Facebook