Tại sao lại là Paris mà không phải Vienna, hoặc Rome, hay Moscow những “cái nôi” âm nhạc của thế giới? Không, nó phải là Paris, đặc biệt là vào khoảng 1900. Paris, ngay vào đầu thế kỉ này của chúng ta, đột nhiên trở thành một nơi náo động với những ý tưởng mới mẻ trong âm nhạc, nơi các cháu thấy một luồng sinh khí mới, những tên tuổi lớn, và một nguồn năng lượng sáng tạo. Từ khắp nơi trên thế giới, các nhạc sĩ đều “đổ xô” về Paris như thể bị cuốn vào lực hút nam châm vậy đặc biệt là bởi cá tính mới đầy lôi cuốn của Debussy.

Chương trình “Đường đến Paris”

Biên soạn do Leonard Bernstein
Chương trình được phát sóng lần đầu trên đài CBS, ngày 18/01/1962

Biên dịch: Ngọc Hà

Carnegie Hall tại thành phố New York. Ngôi nhà của những sự kiện âm nhạc vĩ đại nhất thế giới Hôm nay là 1 buổi trong chuỗi sự kiện Hòa nhạc cho người trẻ của New York Philharmonic Dưới sự chỉ đạo âm nhạc của Leonard Bernstein. Và đây là ngài Bernstein! Chào mừng tất cả các cháu! Tôi cá rằng có một số, hoặc rất nhiều cháu ở đây cảm thấy bối rối với tiêu đề của chương trình hôm nay: “Đường đến Paris.” Tiêu đề này có thể đang gợi mở điều gì? Một bộ phim của Bob Hope? Hay phải chăng là lịch sử Cách mạng Pháp? Chúng đều không phải. Lạ thay, như một số cháu có thể đã đoán ra, nó nói về âm nhạc. Âm nhạc viết bởi ba nhà soạn nhạc, một người từ Mỹ, một người từ Thụy Sĩ và một người từ Tây Ban Nha. Cả ba người này đều có những thứ ngôn ngữ âm nhạc mạnh mẽ của riêng mình dự trên nền tảng truyền thống của tổ quốc mình, Tây Ban Nha, hoặc là Hoa Kì; tuy nhiên, thời niên thiêu, họ đều tới Paris để trau chuốt và hoàn thiện ngôn ngữ đó. Kiểu như để học hỏi dấu ấn Pháp, có thể nói là vậy. Bởi lẽ họ từng coi Paris là trung tâm của thế giới âm nhạc.

Nhưng tại sao lại là Paris mà không phải Vienna, hoặc Rome, hay Moscow những “cái nôi” âm nhạc của thế giới? Không, nó phải là Paris, đặc biệt là vào khoảng 1900. Paris, ngay vào đầu thế kỉ này của chúng ta, đột nhiên trở thành một nơi náo động với những ý tưởng mới mẻ trong âm nhạc, nơi các cháu thấy một luồng sinh khí mới, những tên tuổi lớn, và một nguồn năng lượng sáng tạo. Từ khắp nơi trên thế giới, các nhạc sĩ đều “đổ xô” về Paris như thể bị cuốn vào lực hút nam châm vậy đặc biệt là bởi cá tính mới đầy lôi cuốn của Debussy.

Tôi hi vọng các cháu còn nhớ cái tên quan trọng này từ chương trình cuối cùng của chúng ta từ đôi tuần trước đó, khi chúng tôi đã biểu diễn kiệt tác của ông về biển cả, mang tên “La Mer”, và học được một vài thứ quý báu, tôi mong vậy, về Trường phái Ấn tượng. Các cháu đều nhớ chứ? Tất nhiên phải vậy rồi!

Nào, Debussy cùng Ravel , và nhóm các nhà soạn nhạc mới mà phát triển cùng thời với họ, đã sáng tác một thứ âm nhạc độc đáo, tươi mới và thi vị đến mức các nhạc sĩ trẻ từ khắp mọi nơi đều cảm thấy rằng Paris sắp trở thành trung tâm âm nhạc mới của thế giới. Một bề dày âm nhạc của Đức và Áo từ Bach cho tới tận Strauss, tưởng chừng như đã đi vào dĩ vãng vào khoảng 1900. Và những nhà soạn nhạc người Pháp mới khi đó đã bắt đầu thu hút được sự chú ý đầu những năm 1900 mang lại hứa hẹn của một hi vọng mới, những thanh âm mới, một lối sáng tác và tư duy mới mẻ về âm nhạc. Sức lôi cuốn trở nên mạnh mẽ từ đây, và một cách ngẫu nhiên ai nấy cũng đều muốn đến Paris. Lấy George Gershwin làm ví dụ đi nhà soạn nhạc trứ danh và được yêu mến nhất của Hoa Kì.

Ngài vẫn hay đến Paris, không hẳn chỉ để học, mà đơn giản vì ông thích nơi đây, và Paris thu hút ông như một thỏi nam châm. Và âm nhạc của ông thể hiện điều này, thậm chí ngay trong tiêu đề: một tác phẩm của ông mà chúng tôi sắp chơi: Một người Mỹ ở Paris. Tiêu đề này cho chúng ta biết âm nhạc được sử dụng để phản ánh những ấn tượng của một người Mỹ về thành phố Pháp này, những chiếc còi taxi, rượu vang, sự vui vẻ, những quán cafe, nỗi nhớ nhà và những thứ tương tự. Nhưng tiêu đề này cũng nói cho chúng ta một điều quan trọng không kém, đó là: Nó kể ta nghe về một nhà soạn nhạc người Mỹ tên Gershwin dưới sự ảnh hưởng của Paris. Sau cùng, Gershwin còn là một chàng trai Brooklyn, như các cháu cũng biết, lớn lên với những nhà xuất bản dòng nhạc pop và các show diễn Broadway. Và ngôn ngữ âm nhạc của ông là jazz: Những giai điệu, tiết tấu và cấu trúc của ông đều xuất phát từ nhạc pop. Và từ chính những chiếc rễ này đã nảy nở những “chiếc cây lâu năm cứng cáp” mà chúng ta biết như là Rhapsody in Blue, và bản Concerto giọng Fa trưởng, bản opera Porgy và Bess, và cả “Một người Mỹ ở Paris” mà các cháu sắp nghe.

Tất cả các sáng tác nghiêm túc, to lớn đều có nguồn gốc từ jazz. Nhưng chính “ánh nắng” Paris đã nuôi dưỡng những thân rễ đó. Chẳng hạn như, các cháu còn nhớ lần cuối cùng khi chúng ta nói về âm giai toàn cung chứ? Loại âm giai lạ kì, mang phong cách Ấn tượng đặc trưng của Debussy? Nghe nó như sau: Các cháu nhớ âm giai mơ hồ, tưởng chừng không có điểm kết thúc đó chứ?

Nó đây, giữa một tác phẩm tràn ngập trong các điệu blue và điệu nhảy Charleston cùng những giai điệu đu đưa.

Nhưng nó lại góp mặt trong đó. Hẳn là các cháu nhận ra những loại tiếng ồn kì lạ phía sau đang cố mô phỏng tiếng còi taxi Paris chứ?

Nhưng chúng không đơn thuần chỉ là tiếng ồn, mà còn là những nốt nhạc trong một âm giai toàn cung. Sự khác biệt duy nhất đó là nếu Debussy dùng những nốt nhạc đó để tái hiện những chiếc thuyền buồm mộng mơ, từng lớp sóng biển, và sương mù, thì Gershwin lại liên tưởng chúng với tiếng còi taxi. Hay các cháu còn nhớ một từ khó mà hay “nhị âm thể”, mà chúng ta cũng đã cùng nhau khám phá trong âm nhạc của Debussy lần trước chứ? Nếu còn, thì các cháu cũng hiểu (nhị âm thể) nghĩa là viết ở hai giọng khác nhau cùng một lúc. Các cháu rõ chứ?

Và rồi, nhị âm thể cũng xuất hiện trong âm nhạc của Gershwin. Ví dụ như, có một trong những giai điệu nhịp nhàng của ông diễn ra như sau:

và tới đoạn sau của tác phẩm ông viết lại giai điệu đó với một tính chất mơ hồ, kiểu cách Ấn tượng như thế này:

Đó đích xác là trường phái Ấn tượng Pháp đã được du nhập nguyên bản! Nhưng làm thế nào Gershwin lại có âm thanh chất Pháp như vậy? Thì trước hết đó là ông đã ứng dụng “người bạn” nhị âm thể của chúng ta.

Các cháu thấy đấy, mỗi một hợp âm các cháu vừa nghe thực chất là hai hợp âm cùng lúc ở những giọng khác nhau. Các nhạc cụ bổng chơi một nhóm các hợp âm ở một giọng…

và nhóm trầm hơn lại chơi một nhóm các hợp âm ở một giọng khác.

Hòa vào với nhau, chúng tạo ra âm thanh nhị âm thể như sau:

Các chau cảm nhận được tính chất huyền ảo đó chứ? Nó thậm chí còn có chút mụ mị nữa. Nhưng tôi cho rằng trong khoảnh khắc này, Gershwin đang cố gắng gợi tả hình ảnh vị khách người Mỹ tới Paris đang hơi chếnh choáng vì nhâm nhi hơi nhiều vang Pháp. Và đó cũng có thể là lí do vì sao nghe nó lại mơ màng và mụ mị đến thế.

Thực tế, Gershwin còn thêm vào đó một sắc thái huyền ảo hơn của điệu Charleston.

với tiếng gảy dây đàn…

và hơn nữa, ông còn thêm vào tiếng xì khẽ của cymbal , như đang văng vẳng bên tai.

Rồi tất cả những âm thanh đó hòa lại với nhau để tạo nên một thứ âm thanh yêu kiều, huyền ảo, có phần chếnh choáng ma mị, đúng chất Ấn tượng mà ông đã tiếp thu trên hành trình đến Paris.

Tất cả những chi tiết nãy giờ chỉ là một ví dụ nho nhỏ về sự ảnh hưởng của âm nhạc Pháp đối với Gershwin. Nhưng có lẽ, những điều này có thể giúp các cháu tiếp nhận tác phẩm theo một cách mới mẻ. Nếu các cháu vẫn nhớ rằng Gershwin không chỉ viết “Một người Mỹ ở Paris”, mà với tư cách một nhà soạn nhạc, bản thân ông cũng là một người Mỹ ở Paris. Sau đây là màn trình diễn đầy đủ.

Bây giờ, chúng ta sẽ chuyển qua một tuýp nhà soạn nhạc khác hoàn toàn lỗi lạc hơn và nghiêm nghị hơn Gershwin, mang tên Ernest Bloch. Gia cảnh của ông có thể nói là khá phức tạp. Ông sinh ra và lớn lên ở Thụy Sỹ, tiếp đó ông vừa sinh sống vừa học tập tại Bỉ và Đức, rồi cuối cùng, ông định cư tại Mỹ. Bởi vậy mà các cháu có thể thấy ông mang trong mình dòng máu đa quốc gia. Nhưng để phức tạp hóa vấn đề hơn, thì những nguồn cội hiện diện rõ ràng nhất trong ông không nặng tính tổ quốc đến mức phân biệt chủng tộc: và đó là từ gốc Do Thái Thực tế mà nói, Bloch cảm nhận được tính Do Thái của mình mạnh mẽ tới mức rất nhiều người tin rằng những tác phẩm để đời duy nhất của ông được vun đắp từ những nguồn gốc Do Thái cổ đó Các tác phẩm như: Bản giao hưởng Israel , “Sacred Friday Night Service”, ba bài thơ tiếng Do Thái cho dàn nhạc, và những tuyệt tác nổi trội nhất, rhapsody cho cello và orchestra, “Schelomo”, mà chúng ta sắp nghe.

Nhưng dù mang trong mình những cảm xúc Do Thái mãnh liệt, Bloch cũng đã từng lên đường tới Paris khoảng đầu những năm 1900s, và chúng ta có thể nghe ra dấu ấn Pháp trong Schelomo như là với tác phẩm “American in Paris” (Một người Mỹ ở Paris). Chẳng hạn như, Bloch cũng sử dụng các hợp âm mang tính mơ hồ giống với Gershwin, điều này một lần nữa lại tạo ra màu sắc Ấn tượng, đặc biệt là khi được thể hiện bởi chiếc celesta kia, cùng với đàn harp, flute, và những dây đàn thanh mảnh như phát ra ánh sáng thế này:

Các cháu thấy đó, kể cả cách phối khí cũng đậm chất Ấn tượng và rất Pháp. Giờ hãy thử lắng nghe cũng những âm thanh mơ hồ đó kết hợp với dư vị phương Đông của giai điệu Do Thái này:

Đậm đà dư vị phương Đông, nhưng bên cạnh đó cũng rất Pháp. Chúng ta thậm chí còn có thể nhận ra người bạn quen thuộc, nhị âm thể lặp đi lặp lại trong tác phẩm này của Bloch, như trong một đoạn ngắn sau, khi bè bass đang chơi câu nhạc phương Đông ở một giọng…

thì cùng lúc là trumpet và bộ kèn gỗ chơi một câu chủ đề hoàn toàn khác ở một giọng khác, như sau:

Hòa cùng với nhau, hai tông giọng và hai chủ đề tạo nên thứ âm thanh tuyệt vời, đa màu sắc và phong phú:

Các cháu thấy nghe nó nguy nga lộng lẫy không? Nhị âm thể nghe mới tráng lệ làm sao? Và cảm giác “tráng lệ” chính là âm thanh đúng đắn hơn cả cho “Schelomo”, bởi toàn bộ tác phẩm này được xây dựng ý tưởng về cung điện Kinh Thánh kì vĩ của Vua Solomon. “Schelomo” là từ Do Thái gốc cho Solomon; và sự tráng lệ chắc chắn là một điều mà chúng ta liên tưởng ngay đến khi nghĩ về Vua Solomon. Và vẻ lộng lẫy này càng trở nên nguy nga hơn nữa bởi cách phối khí mà Bloch áp dụng, thực sự gợi liên tưởng mạnh mẽ tới Ravel . Các cháu còn nhớ âm thanh đặc biệt cuốn hút trong tác phẩm “Daphnis và Chloe” của Ravel mà chúng tôi đã biểu diễn trong chương trình gần nhất chứ? Rồi đây cũng là một âm thanh lấp lánh như thế, một âm thanh thật Pháp, nhớ không nào, xuất hiện vào đúng một trong những cao trào lớn của tác phẩm, nơi giống như một cơn bùng nổ đang tóe lửa, lóe sáng, và sấm chớp bằng những dấu láy rền, ống kéo, và các âm giai lướt đi thế này:

Vậy nen các cháu thấy đấy, Bloch vừa rất Thụy Sĩ, Do Thái, và Hoa Kì. Nhưng nếu không có sự ảnh hưởng của Paris âm nhạc của ông có lẽ sẽ không thành như thế. Giờ chúng ta lắng nghe tác phẩm “Schelomo”. Và chúng tôi rất vinh dự khi một trong những nghệ sĩ cello nổi tiếng nhất thế giới biểu diễn tác phẩm tuyệt vời này cho chúng ta: Nữ nghệ sĩ Zara Nelsova.

Một lời nữa . . . chỉ một lời cuối trước màn biểu diễn: Các cháu nên hiêu rằng cái tên “Schelomo”, hay “Solomon”, nghĩa là hòa bình trong tiếng Do Thái. Nó có liên quan đến một từ Do Thái nổi tiếng “shalom”. Với tất cả những gì có thể, tôi mong muốn và hi vọng tất cả các cháu hướng đến màn trình diễn này vì hòa bình tương lai của nhân loại toàn thế giới.

Đến lúc này, vì thời lượng không cho phép, chúng tôi sẽ chuyển qua nhà soạn nhạc cuối cùng trong chương trình ngày hôm nay, một bậc thầy xuất chúng người Tây Ban Nha, Manuel de Falla. Nguồn gốc của ông chan chứa tính Tây Ban Nha đến mức các cháu có thể thấy nó biểu hiện rõ mồn một, như các nhánh rễ của một cây sồi đại thụ vậy. Thể loại âm nhạc có nguồn gốc Tây Ban Nha thì, như các cháu cũng biết, sắc nét, sạch sẽ, và nhịp nhàng nên đó là lí do các cháu đừng kì vọng nó phảng phất chút “mùi hương” mờ ám nào của trường phái Ấn tượng Pháp, nhưng cũng không hoàn toàn vậy. Thậm chí ngay cả trong những điệu nhảy đậm chất Tây Ban Nha từ vở ballet của Falla “The Three-Cornered Hat” (Chiếc mũ ba góc) chúng ta vẫn có thể tìm thấy những hòa âm phong phú, lãng đãng, gợi liên tưởng đến phong cách Debussy:

Và thậm chí là những khoảnh khắc của nhị âm thể, như câu sau, khi dàn dây đang chơi ở giọng Mi trưởng…

thì đối nghịch, có kèn horn và trumpet lại chơi một câu chủ đề khác ở giọng Fa trưởng.

Và hòa cùng với nhau, hai gọng này tạo nên một vẻ hứng thú đặc trưng của Pháp, như thế này:

Các cháu hiểu ý tôi chứ? Còn về phần phối khí, đây là một đóng góp lớn cho Ravel và Debussy, với đàn harp và celesta, láy rền, các thang âm cùng câu chạy và bộ gõ sôi nổi, các cháu sẽ được thưởng thức trong chốc lát.

Tôi tin rằng tới thời điểm này các cháu sẽ chẳng còn bối rối với tiêu đề chương trình về “The Road to Paris” (Đường tới Paris). Bởi lẽ chúng ta vừa chứng kiến được rằng trong khoảng 1/3 thời gian của thế kỉ 20 này, các nhà soạn nhạc từ mọi quốc tịch và chủng tộc đều nô nức đổ về con đường tới Paris, và không chỉ các nhạc sĩ với xuất thân Tây Ban Nha, Do Thái, hay Hoa Kì mà còn rất nhiều người khác như Villa-Lobos từ Brazil , Chavez từ Mexico, Prokofiev và Stravinsky từ Nga, Malipiero từ Ý, và hơn thế nữa. Tất cả họ đều tới Paris! Các cháu cũng thấy, tinh thần Pháp mang tính lan truyền thế nào trong thế kỉ của chúng ta, và cảm ơn chúa vì điều này, bởi nó đã không ngừng làm giàu cho toàn bộ đời sống âm nhạc của chúng ta.

Và sau đây là hai điệu nhảy từ cuốn truyện tranh ballet nổi tiếng của Falla, “The Three Cornered Hat”: Đầu tiên là điệu nhảy của Miller, một điệu nhảy dân gian đặc trưng của Tây Ban Nha có tên gọi “Farruca”, rồi tới điệu nhảy sau cùng hay còn được gọi là “Jota”.

Bản gốc bài giảng: https://leonardbernstein.com/lectures/television-scripts/young-peoples-concerts/road-to-paris

Bình luận Facebook

Facebook Comments