cello

Anh: Cello; Pháp: Violoncelle; Đức: Violoncell; Ý: Cello / Violoncello; TBN: Violoncello / Violonchelo; phiên âm tiếng Việt: Xen-lô / Vi-ô-lông-xen

Violoncello (cũng gọi là Cello) là một nhạc cụ thuộc bộ dây, cùng họ với violin, violacontrabass và là một thành viên chính thức của dàn nhạc giao hưởng. Đàn violoncello tiêu chuẩn dài 75 cm, ngoài ra còn có những loại nhỏ hơn và được kí hiệu bằng những phân số: 7/8, 3/4,1/2, v.v… Cây đàn violoncello tiêu chuẩn mang kí hiệu 4/4. Những cây đàn violoncello lớn hơn 4/4 có xuất hiện, mặc dù rất ít.
 

Cấu tạo đàn cello

cấu tạo đàn cello

Thân

Hộp đàn của cello được làm hầu như toàn bộ bằng gỗ; một số đàn cello hiện đại còn được chế tạo từ sợi carbon. Một cây cello truyền thống thường có mặt trước làm bằng gỗ vân sam còn mặt sau, hai bên và cổ làm bằng gỗ thông. Một số loại gỗ khác như bạch dương và liễu có lúc được dùng để chế tạo mặt sau và hai bên đàn. Những cây violoncello rẻ tiền thường có hai mặt làm bằng ván ép.
Hai mặt đàn thường được làm thủ công, trong khi những cây cello rẻ tiền thường được chế tạo bằng máy. Để làm hai bên đàn, người ta hun nóng gỗ và uốn quanh các khuôn. Nhìn từ phía trước, thân cello có thể chia làm 3 bộ phận: phần trên (vai đàn) và phần dưới (mông đàn) nở rộng, phần giữa hẹp giới hạn bởi hai chữ C quay lưng vào nhau. Hai khe hình chữ S và ngựa đàn nằm ở gần như chính giữa thân đàn.

Cổ đàn, hộp chốt và cuộn xoắn ốc

Phía trên thân đàn là cổ đàn, tiếp đến là hộp chốt và cuộn xoắn ốc. Cổ đàn, hộp chốt và cuộn xoắn ốc thường được tạc từ một mảnh gỗ nguyên. Gắn liền với cổ đàn và xuống đến phần giữa của thân đàn là bàn phím. Nơi tiếp nối giữa bàn phím và hộp chốt có một gờ bằng gỗ nhô lên, đỡ lấy dây đàn, gọi là mấu. Hộp chốt có 4 chốt lên dây. Đỉnh cuộn là một bộ phận truyền thống của các nhạc cụ dây. Người ta thường dùng gỗ mun để làm các chốt lên dây, bàn phím và mấu, ngoài ra có thể dùng các loại gỗ khác có màu tối như hoàng dương hoặc hồng mộc.

Chốt mắc dây và chân đế

Chốt mắc dây và chân đế gắn ở phần dưới thân đàn. Chốt mắc dây cổ điển được làm bằng gỗ mun hoặc các loại gỗ khác có màu tối, nhưng ngày nay có thể làm bằng nhựa hoặc các vật liệu tổng hợp. Chốt mắc dây vừa dùng để  gắn dây với thân đàn, vừa có thể dùng để lên dây với biên độ hẹp và độ chính xác cao. Chân đế làm bằng kim loại hoặc sợi carbon và thường điều chỉnh được. Phần mũi của chân đế tiếp xúc với sàn thường nhọn và có thể được bọc bằng cao su, nhằm giữ cho violoncello khỏi bị trượt.

Ngựa đàn và 2 khe chữ S

Ngựa là một mảnh gỗ hoặc nhựa nâng dây đàn lên khỏi mặt đàn và truyền dao động của dây đến que chống và thanh dọc bên trong. Ngựa đàn không bị gắn chặt vào thân đàn mà được các dây đàn giữ ở đúng vị trí. Các khe hình chữ S ở 2 bên ngựa đàn, làm nhiệm vụ cho không khí đi vào và đi ra khỏi hộp đàn, tạo nên âm thanh. Ngoài ra các khe hình chữ S còn cho phép tiếp cận với những phần bên trong hộp đàn nếu cần sửa chữa. Thỉnh thoảng người ta cũng phải đưa qua khe một ống chứa một miếng mút tẩm nước vào bên trong đàn violoncello để giữ độ ẩm thích hợp
 

Những chi tiết bên trong đàn cello

Bên trong cello có 2 bộ phận quan trọng: que chống và thanh dọc. Que chống bị kẹp giữa mặt trước và mặt sau của đàn, còn thanh dọc thì bị dán vào phía trong mặt trước, song song với dây đàn. Ngoài chức năng tăng cường sức chịu lực của mặt đàn, hai bộ phận trên còn có tác dụng truyền dao động của dây xuống thùng đàn.

Theo truyền thống, vĩ được làm từ gỗ pernambuco (chất lượng cao) hoặc brazilwood (chất lượng thấp hơn). Cả 2 loại gỗ đều lấy từ cây Caesalpina echinata; pernambuco là phần gỗ ở lõi của cây và màu tự nhiên đậm hơn. Pernambuco bền và nặng, có tính đàn hồi cao và truyền âm tốt, khiến nó trở thành loại gỗ lí tưởng để chế tạo vĩ. Dây vĩ làm từ lông đuôi ngựa, nhưng cũng có lúc lông nhân tạo được dùng để thay thế. Ngày nay, người ta còn dùng thủy tinh hữu cơ và sợi carbon để làm vĩ. Dây vĩ được phủ cô-lô-phan định kì để làm tăng độ ma sát với dây đàn. Vĩ cần phải được thay dây định kì, chủ yếu là do dây vĩ rất dễ bị mỏng đi do cọ xát trong quá trình chơi đàn. Dây bị chùng cũng cần được để ý. Dây vĩ được kéo căng nhờ một con ốc gắn ở quai (bộ phận mà người chơi giữ lấy). Vĩ dành cho cello dài 73cm và rộng 3cm.

Lịch sử đàn cello

Cello có nguồn gốc từ thế kỉ 16 như một thành viên trong họ violin. Cái tên violoncello xuất hiện và trở nên phổ biến lần đầu tiên vào giữa thế kỉ 17, nhưng khái niệm đàn dây trầm (violone) đã được nhắc đến trong các văn bản từ thế kỉ 16 và đầu thế kỉ 17. Thuật ngữ violone được tìm thấy trong kho lưu trữ của các nhà thờ Ý trong cùng thời kì để chỉ một loại đàn dây trầm, và một dạng nhỏ hơn của nhạc cụ này chính là cây violoncello ngày nay. Violoncello được sử dụng lần đầu trong bản Sonata Op. 4 của Giulio Cesare Arresti. Từ khi mới ra đời, cây đàn này đã được lên dây lần lượt theo đô – son – rê – la, một quãng tám thấp hơn so với viola.
Cho đến nay, những nghệ nhân đầu tiên chế tạo những dạng tiền thân của cello là Andrea Amati (trước 1580), Gasparo da Salo (1540 – 1609) và Giovanni Paolo Maggini (1581 – 1632). Những cây đàn họ chế tạo to hơn cây đàn violoncello hiện đại, một số dài đến 80 cm.
Kích thước của violoncello biến thiên trong suốt phần còn lại của thế kỉ 17, hầu hết nằm trong khoảng 73-80 cm chiều dài, trong đó những cây to hơn được ưa chuộng hơn. David Tecchler vẫn tiếp tục chế tạo dòng đàn lớn tại Roma cho đến giữa thế kỉ 18 mặc dù vào năm 1707 Stradivari đã định ra chiều dài chuẩn cho cello là 75 cm.
Một số thay đổi khác trong cấu tạo của họ violin trong thế kỉ 18 bắt nguồn từ sự thay đổi trong quan niệm về âm thanh thích hợp cho các nhạc cụ. Cổ đàn được làm cong hơn và ngựa đàn được nâng lên cao hơn, đồng thời dây cũng mỏng và căng hơn, khiến cho âm sắc của violoncello trong và nhạy hơn.
Ban đầu để chơi cello người ta ngồi và đặt nó giữa hai chân hoặc đứng và giữ nhạc cụ nghiêng về phía mình và có thể có cả quai giữ. Thỉnh thoảng cello còn được đặt trên đôn và người ta đã tìm ra một số hình miêu tả nó được đặt nằm ngang, có thể để chơi kĩ thuật pizzicato hoặc chỉ để trình diễn. Kĩ thuật dùng bàn tay để giữ cần đàn và bốn ngón tay bấm nốt giống như chơi violin chỉ để đã thỏa mãn những yêu cầu đơn giản đối với violoncello vào thế kỉ 16, khi mà họ violin đóng một vai trò khá khiêm tốn trong nền âm nhạc cũng như trong xã hội và chỉ được dùng chủ yếu cho nhạc khiêu vũ. Tuy vậy khi âm nhạc độc tấu phát triển vào khoảng đầu thế kỉ 17 đem lại cho violin một vai trò quan trọng hơn, violoncello cũng đóng góp một vai trò phức tạp hơn, đòi hỏi kĩ thuật phù hợp hơn đối với chiều dài của dây và tư thế chơi. Nhạc cụ này kể từ đó không bắt buộc tay trái phải giữ nữa, giúp người nghệ sĩ di chuyển tay linh họat hơn để chơi những đoạn nhạc nhanh và để thay đổi thế tay. Ngón tay có thể di chuyển dọc theo dây, nên người nhạc công có thể chơi được hai nốt cùng lúc.
Chỉ có một nghệ sĩ nổi tiếng đến từ nước Ý vào thế kỉ 19, đó là Alfredo Piatti, sau này định cư ở London. Những nghệ sĩ khác ở London bao gồm Robert Lindley và các học trò của Piatti, William Edward Whitehouse và Leo Stern. Trường phái sau đó cũng suy yếu; những người tiếp nối Jean Henri LevasseurCharles-Nicolas Baudiot và Louis Pierre Martin Norblin chỉ có Auguste Joseph Franchomme và Pierre Alexandre Francois Chevillard. Một trung tâm tại Brussels được học trò của Duport là Nicolas Joseph Platel sáng lập. Nơi đây Adrien François Servais và Jules de Swert đã được công chúng biết tới. Đức trở thành khu vực phát triển chủ yếu.
Tư thế giữ cello rất khó khăn mà xã hội kiểu cách thời bấy giờ quy định chuẩn mực cho nữ giới có lẽ là nguyên nhân gây nên sự hiếm hoi của những nữ nghệ sĩ violoncello vào trước thế kỉ 20. Đến đầu thế kỉ 20, những tư thế giữ đàn ở một bên thân mình vẫn chiếm tỉ lệ cao nhất, nhưng tư thế đặt đàn giữa 2 đầu gối thông thường đã trở nên tương đối phổ biến. Nhiều định kiến xã hội chống lại việc phụ nữ làm nhạc công, song một vài người trong số họ đã thành công trong sự nghiệp biểu diễn cello. Những tên tuổi hàng đầu phải kể đến Lisa Cristani (1827 – 1853), tiếp đó là May MukleBeatrice HarrisonGuilhermina Suggia và Raya Garbousova (đều sống vào đầu thế kỉ 20).
Chân đế có thể điều chỉnh được có lẽ đã được nghệ sĩ người Bỉ A. F. Servais áp dụng lần đầu tiên vào năm 1846, nhưng chân đế cố định đã được sử dụng từ rất lâu trước đó. Chân đế của violoncello có tác dụng bảo vệ đáy đàn, đồng thời nâng cao độ vang.
Từ 1900, các nghệ sĩ đã từng bước nâng âm sắc của cello ở những nốt cao lên đến gần mức vang và nhẹ như violin, từ đó nâng cao chất lượng của tiếng đàn. Việc sử dụng chân đế dài hơn và uốn cong cũng giúp ích cho việc chơi đàn, bởi vị trí tiếp xúc giữa cây vĩ và dây được nâng cao và độ nghiêng của đàn cũng được tăng lên làm cho người nghệ sĩ dễ dàng bấm được những vị trí cao trên cần đàn, đồng thời cũng góp phần làm tăng chất lượng âm thanh. Việc sử dụng dây đàn bọc thép cũng là một bước phát triển quan trọng. Việc violoncello chiếm vị trí ngày càng quan trọng trong nhạc giao hưởng và thính phòng ngay từ thế kỉ 19 đã khiến cho yêu cầu về biểu diễn chuyển từ kĩ thuật sang sắc thái. Kĩ thuật biểu diễn không còn được xem là yếu tố cuối cùng nữa mà được coi như phương tiện để diễn tả sắc thái. Sự biến chuyển này đã được thể hiện rõ ở Pablo Casals, người có khả năng chơi độc tấu violoncello một cách điêu luyện không thua kém violin. Casals đã đưa những tổ khúc chưa được biết đến của Bach vào những buổi biểu diễn và đem đến cho công chúng rất nhiều tác phẩm thính phòng khác.
Luigi Boccherini, một nhà sọan nhạc kiêm nghệ sĩ biểu diễn cello, chính là người đã đóng góp nhiều nhất trong việc nâng cao vai trò của cello với tư cách là một nhạc cụ dùng trong nhạc thính phòng và trong các bản concerto vào cuối thế kỉ 18. Trong những bản tứ tấu đàn dây và những bản ngũ tấu đàn dây cho 2 violoncello, ông thường cho cello chơi bè chính. Những giai điệu êm ái và chất trí tuệ giúp cho những bản concerto của ông trở nên được ưa chuộng hàng đầu thời bấy giờ. 11 bản concerto của ông thu hút số lượng nghệ sĩ biểu diễn và khán giả tương đương như các bản concerto của Joseph Haydn. Concerto giọng Rê trưởng của Haydn là một tác phẩm đòi hỏi cao về kĩ thuật biểu diễn và sự cân bằng gần như hoàn hảo giữa người độc tấu và dàn nhạc. Gốc gác của bản nhạc đã từng bị nghi ngờ trong một thời gian dài bởi độ khó của nó. Haydn có lẽ đã bị ảnh hưởng bởi chính học trò của mình Anton Kraft (người được Beethoven viết tặng riêng cho phần dành cho violoncello trong bản Concerto ba đàn Op. 56). Cho đến nay người ta tin rằng Haydn đã viết 5 bản concerto cho violoncello.
Hầu hết những bản nhạc độc tấu ở thế kỉ 19 được các nghệ sĩ cello sáng tác, họ chịu ảnh hưởng mạnh bởi âm nhạc cho violin đặc biệt là vào đầu thế kỉ này. Những nghệ sĩ sáng tác cho chính họ biểu diễn để phục vụ nhu cầu tăng nhanh của khán giả bình dân. Mục đích thể hiện kĩ thuật và nhạc cảm của người nghệ sĩ là một đặc điểm nổi bật của rất nhiều bản concerto và các tác phẩm giao hưởng, thính phòng khác. Ngoài ra còn có một kho rất lớn những bản chuyển soạn từ các chủ để nổi tiếng, hầu hết là nhạc kịch, các khúc phóng túng và ngẫu hứng.
Những tác phẩm cho cello độc tấu vào thế kỉ 19 hầu hết chỉ là các bài tập kĩ thuật. Phải đến sau năm 1900, khi các tổ khúc độc tấu của Bach được Casals phổ biến rộng rãi thì các tác phẩm mới bắt đầu được viết để biểu diễn. Các nhà soạn nhạc gồm Reger (Ba tổ khúc, Op. 131c, 1915), Kodaly (Op. 8, 1915), Hindemith (Op. 25 no. 3, 1923), Krenek (Tổ khúc Op. 84, 1939), Dallapiccola (Ciaccona, Intermezzo e Adagio, 1945), Henze (Serenade, 1949), George Crumb (Sonata, 1955), Bloch (Ba tổ khúc, 1956-7), Bernd Alois Zimmermann (Sonata, 1960), Britten (các tổ khúc Op. 72, 1964, Op. 80, 1968 và Op. 87, 1972), Xenakis (Nomos alpha, 1966) và Penderecki (Capriccio per Siegfried Palm, 1968).
Dù số lượng các tác phẩm cho cello không nhiều như những tác phẩm cho violin hay piano, vào thế kỉ 20 đã có sự gia tăng đáng kể về số lượng những tác phẩm độc tấu violoncello.
Trần Hoàng Hiệp (nhaccodien.info)

Hiệp hội violoncello: http://violoncellofoundation.org/