Thông tin tác phẩm

Tác giả: Ludwig van Beethoven.
Tác phẩm: Violin Concerto giọng Rê trưởng, Op. 61
Thời gian sáng tác: Hoàn thành năm 1806.
Công diễn lần đầu: Ngày 23/12/1806 tại Theater an der Wien, Vienna với Franz Clement chơi violin và tác giả chỉ huy dàn nhạc.
Độ dài: Khoảng 40 – 45 phút.
Đề tặng: Tác phẩm được đề tặng cho nghệ sĩ violin Franz Clement (1780-1842).
Tác phẩm có 3 chương:
Chương I – Allegro ma non troppo (Rê trưởng)
Chương II – Larghetto (Son trưởng)
Chương III – Allegro (Rê trưởng)
Thành phần dàn nhạc: Violin độc tấu, flute, 2 oboe, 2 clarinet, 2 bassoon, 2 horn, 2 trumpet, timpani và dàn dây.

Hoàn cảnh sáng tác

Trong dòng chảy lịch sử, không hiếm trường hợp nhiều kiệt tác âm nhạc mà ngày nay chúng ta trân trọng đã bị bỏ qua trong thời đại của chính chúng. Vì những lý do này khác, nhà soạn nhạc không thể chứng kiến những tác phẩm được tung hô và đón nhận, mà thậm chí còn bị chê bai và ghẻ lạnh. Họ qua đời và không hề biết được rằng thế hệ sau này sẽ tôn vinh và quý trọng những đứa con tinh thần của mình. Concerto violin của Beethoven là một bản nhạc như vậy. Mặc dù tác phẩm ngày nay được coi là một trong những đỉnh cao nhất của kho tàng âm nhạc cổ điển, nhưng đã từng bị chìm vào quên lãng ngay khi Beethoven còn sống và chỉ thực sự trở nên nổi tiếng hàng thập kỷ sau đó.

Năm 1794, Beethoven lần đầu gặp thần đồng violin Franz Clement, lúc này mới 14 tuổi nhưng đã được coi là một trong tài năng lớn nhất tại Vienna. Beethoven say mê Clement đến nỗi đã tuyên bố: “Thiên nhiên và nghệ thuật cạnh tranh với nhau để biến cậu trở thành một nghệ sĩ vĩ đại”. Kể từ đó, hai người đã thiết lập một mối quan hệ bạn bè thân thiện. Chính Clement là người đã đưa ra đề nghị Beethoven sáng tác một bản concerto violin cho mình.

Beethoven đã sáng tác bản concerto violin trong thời kỳ sung sức nhất của mình. Các tác phẩm của ông trong giai đoạn này gồm có các bản giao hưởng số 4 và số 5, Concerto piano số 4, Sonata piano “Appassionata”, các tứ tấu đàn dây “Razumovsky”… Không có nhiều tư liệu viết về quá trình sáng tác bản concerto violin này của Beethoven. Dường như tác phẩm được sáng tác một cách nhanh chóng trong vòng khoảng một tháng trước buổi trình diễn ra mắt. Theo như Carl Czerny, học trò của Beethoven, Clement chỉ nhận được tổng phổ trước có 2 ngày và đã phải thị tấu trong chương trình. Bất chấp sự gấp gáp trong quá trình dàn dựng, màn trình diễn của Clement đã nhận được sự tán thưởng của khán giả Vienna. Dù vậy, tác phẩm của Beethoven phải nhận những nghi ngờ: “Âm nhạc có thể sớm không làm hài lòng bất kỳ ai không hoàn toàn quen thuộc với những luật lệ và khó khăn của nghệ thuật”. Những lời chỉ trích như vậy từ các nhà phê bình không hề hiếm gặp trong cuộc đời Beethoven vì sáng tạo nghệ thuật mà ông tạo ra đã vượt qua tầm thời đại.

Sau buổi trình diễn ra mắt, Clement còn chơi tác phẩm thêm một vài lần nhưng bản concerto violin vẫn bị chìm vào quên lãng, cũng như cuộc đời của Clement vậy. Năm 1811, trong một chuyến lưu diễn tại Nga, Clement đã bị bắt giữ vì bị tình nghi là gián điệp. Sau khi được thả, theo thời gian, phong cách trình diễn “sang trọng và duyên dáng” vốn rất được yêu thích của ông cũng không còn được ưa chuộng mà phải nhường chỗ cho những nghệ sĩ sở hữu một nền tảng kỹ thuật hoàn hảo. Có lẽ cũng vì vậy mà bản concerto violin của Beethoven đã bị bỏ qua.

Mặc dù có vẻ được sáng tác trong một khoảng thời gian gấp rút, nhưng concerto violin là một trong những tác phẩm đỉnh cao nhất của Beethoven. Đúng với phong cách chơi đàn của Clement, Beethoven đã tránh những đoạn phô diễn kỹ thuật hào nhoáng mà sử dụng những giai điệu đơn giản nhưng sâu sắc nằm trong một tổng thể cấu trúc vững chắc. Nhiều nhạc sĩ đương thời hướng tới sử dụng giai điệu như những bản etude luyện kỹ thuật nhằm tạo điều kiện cho nghệ sĩ thể hiện trình độ. Trong concerto violin của Beethoven cũng không thiếu những đoạn nhạc đòi hỏi trình độ cao từ phía violin độc tấu nhưng chúng được lồng ghép khéo léo vào kết cấu của tác phẩm, nâng cao hiệu quả biểu đạt của âm nhạc.

Phân tích tác phẩm

Chương I mở đầu với phần giới thiệu dài bất thường của dàn nhạc, trình bày những ý tưởng chính của chương. Không chỉ về độ dài, cách mà tác phẩm mở đầu cũng thật khác biệt: 5 tiếng timpani độc tấu vang lên. Beethoven có lẽ là nhà soạn nhạc đầu tiên thể hiện timpani một cách nổi bật và motif đơn giản này trở thành quan trọng, được tái hiện nhiều lần trong phần sau. Những xung đột giữa motif này với các giai điệu trữ tình hơn, mang tính đồng quê (thường dựa trên thang âm tăng dần) tạo nên sự kịch tính của chương nhạc. Giai điệu đầu tiên như vậy xuất hiện trên kèn gỗ, bè violin chiếm lấy motif timpani nhưng lần này ở giọng Mi giáng trưởng. Một đoạn nhạc mạnh mẽ, ngắn gọn đầy kịch tính dẫn đến chủ đề hai trữ tình trên kèn gỗ. Nếu tinh ý, chúng ta có thể thấy dưới bề mặt thanh bình này, bè violin tiếp tục chơi motif 5 nốt nhạc như một phần đệm. Sau đó, bè violin nổi lên chiếm lấy chủ đề hai này, nhưng mờ ảo hơn và ở dạng biến tấu với giọng thứ. Rồi âm nhạc dường như dừng lại, bè violin tái hiện motif ở giọng Mi giáng thứ. Một đoạn đối thoại giữa bè violin và bè trầm của dàn dây khép lại phần giới thiệu, âm nhạc mờ dần đi và violin độc tấu xuất hiện.
Violin phát triển các chủ đề trữ tình của chương nhạc cho đến khi dàn nhạc đáp lại với đoạn nhạc mạnh mẽ, ngắn gọn đầy kịch tính từ phần giới thiệu. Chủ đề hai trữ tình được tiếp nối nhưng biến tấu mở ảo ở giọng thứ trở nên mạnh mẽ và trầm ngâm hơn. Khi nghệ sĩ độc tấu quay trở lại, nó phát triển giai điệu mở màn trữ tình, dẫn đến một chủ đề mới ở giọng Son thứ, đệm bằng motif 5 nốt nhạc được chơi trên horn. Sau khi tiến đến phần giữa chương này, âm nhạc chuyển hướng, dẫn đến sự trở lại mạnh mẽ của ý tưởng mở đầu. Chủ đề trữ tình lại xuất hiện trên violin độc tấu cho đến khi lại bị cắt ngang, nhưng lần này dẫn đến một cadenza mà Clement đã phải ứng tác ngay trên sân khấu trong đêm ra mắt. Cadenza kết thúc với một phiên bản tinh tế của chủ đề hai trữ tình và một đoạn coda ngắn kết thúc chương nhạc.

Chương II là tâm điểm cảm xúc của tác phẩm. Về nguyên bản, cấu trúc là một chủ đề kép và các biến tấu. Chương nhạc bắt đầu nhẹ nhàng với giai điệu thanh thoát trên bè dây, đơn giản, đồng quê, không như phần mở đầu của chương I. Violin độc tấu với hai biến tấu trên chủ đề của dàn nhạc, tô điểm bằng những mảnh ghép trang trí. Có vẻ như nghệ sĩ độc tấu nói một cách ngập ngừng và khó khăn. Sau sự tái hiện sôi nổi của chủ đề mở đầu bằng dàn nhạc, cuối cùng violin cũng có một chủ đề mới dịu dàng của riêng mình. Một biến tấu trên chủ đề của dàn nhạc xen kẽ với một biến tấu của chủ đề violin và chương nhạc kết thúc với một coda ngắn. Một cadenza kết nối chương II với chương cuối,được chơi không ngừng nghỉ.

Chương cuối được viết theo hình thức rondo bắt đầu với một giai điệu vui vẻ chơi trên dây trầm nhất của nghệ sĩ độc tấu. Chủ đề hấp dẫn này tiếp nối không khí đồng quê của những chương trước và tiếp tục với những đoạn chen tương phản, đặc biệt là màn đối đáp tuyệt vời với bassoon ở giọng thứ. Sau cadenza cuối cùng, chủ đề vui vẻ đầu chương trở lại, nhưng ở giọng Mi giáng trưởng, một sự chuyển giọng tương tự như ở chương I. Âm nhạc cuối cùng cũng trở về Rê trưởng, dẫn tới một cái kết hấp dẫn.

Bản concerto violin của Beethoven chỉ được hồi sinh hơn 30 năm sau đó khi năm 1844, Mendelssohn chỉ huy dàn nhạc với Joachim, lúc này mới 12 tuổi biểu diễn tại London. Kể từ đó, tác phẩm tuyệt vời này mới được nhiều người biết đến và kể từ đó trở thành một bản nhạc không thể thiếu trong danh mục biểu diễn của các nghệ sĩ violin đỉnh cao. Schumann sau khi nghe tác phẩm đã thốt lên: “Đôi tay siêu phàm của Joachim đã dẫn dắt chúng tôi vượt qua chiều cao và sâu của cấu trúc kỳ diệu mà phần lớn đã khám phá trong vô vọng”. Đương thời, Beethoven cũng viết một phiên bản concerto piano cho tác phẩm này, được đánh số Op. 61a. Do Beethoven không viết cadenza cho tác phẩm của mình mà để Clement ứng tác trên sân khấu nên hậu thế cũng đã sáng tác ít nhất phải hơn 30 cadenza cho bản concerto violin này như của Joachim, Auer, Saint-Saëns, Wieniawski…, trong đó có lẽ candeza của Kreisler được trình diễn nhiều nhất.

Cobeo

Tổng phổ tác phẩm