Thông tin chung về Choral Fantasy

Tác giả: Ludwig van Beethoven
Tác phẩm: Choral Fantasy giọng Đô thứ, Op. 80
Thời gian sáng tác: Năm 1808.
Công diễn lần đầu: Buổi biểu diễn chính thức trước công chúng diễn ra vào ngày 22/12/1808 tại Theater an der Wien, Vienna với tác giả chơi piano.
Độ dài: Khoảng 20 phút.
Tác phẩm có 2 phần:
Phần I – Adagio (piano độc tấu)
Phần II – Finale. Allegro – Meno allegro (Allegretto) – Allegro molto – Adagio ma non troppo – Marcia, assai vivace – Allegro – Allegretto ma non troppo quasi andante con moto (Chorus) – Presto.
Thành phần dàn nhạc: Piano độc tấu, 2 flute, 2 oboe, 2 clarinet, 2 bassoon, 2 horn, 2 trumpet, timpani và dàn dây. Ngoài ra còn có sự tham gia của 2 soprano, contralto, 2 tenor, bass và dàn hợp xướng.

Hoàn cảnh ra đời Choral Fantasy

Có lẽ đặc điểm hấp dẫn nhất của Fantasy cho piano, dàn nhạc và hợp xướng, hay gọi tắt là Fantasy hợp xướng của Beethoven, ngoài cấu trúc đặc sắc, trong đó phong cách diễn tấu tự do trên piano cho thấy kỹ năng ngẫu hứng trên bàn phím thượng hạng của Beethoven, là dấu hiệu báo trước cho sự ra đời của bản Giao hưởng số 9 huyền thoại. Bản thân Beethoven, trong một bức thư năm 1824 đã mô tả chương cuối bản Giao hưởng số 9 của mình “là sự sắp đặt các từ trong “Lied an die Freude” bất hủ của Schiller theo cách tương tự như trong bản Fantasy dành cho piano của tôi, nhưng ở một quy mô lớn hơn”.

Trong buổi hoà nhạc huyền thoại giới thiệu ra mắt Fantasy hợp xướng, cùng với piano concerto số 4, hai bản giao hưởng số 5, 6 và một vài tác phẩm khác, phần piano hoàn toàn được Beethoven ngẫu hứng và chỉ ghi nó lại trên tổng phổ sau đó để xuất bản. Ấn phẩm đầu tiên được thực hiện tại London vào năm 1810 và được xuất bản tại Vienna một năm sau đó với lời đề tặng dành cho vua xứ Bavaria Maximilian Joseph mà Beethoven hoàn toàn không hay biết. Do đó, nhà xuất bản Breitkopf & Härtel đã phải hứng chịu cơn thịnh nộ của nhà soạn nhạc.

Không có quá nhiều thông tin giải thích tại sao Beethoven lại có một ý tưởng vô cùng kỳ lạ vào thời điểm đó với việc kết hợp piano độc tấu với dàn nhạc và một dàn hợp xướng với 6 ca sĩ lĩnh xướng. Phải chăng khi ông lên ý tưởng thực hiện buổi hoà nhạc sau này được gọi là Akademie vào ngày 22/12/1808, Beethoven muốn có một bản nhạc sôi động để kết thúc đêm diễn? Và với việc có mọi thứ trong tay: piano, dàn nhạc, dàn hợp xướng, ông đã kết hợp mọi sức mạnh đó vào trong Fantasy hợp xướng? Tác phẩm chỉ được sáng tác trong tháng 12/1808 và hoàn thành vài ngày trước đêm diễn. Đây cũng là tác phẩm cuối cùng được Beethoven trình diễn trước khán giả với tư cách nghệ sĩ piano. Việc ai là giả phần lời của Fantasy hợp đến nay vẫn chưa có lời giải đáp. Theo học trò của Beethoven, Carl Czerny thì đó là Christoph Kuffner nhưng sau này, học giả Gustav Nottebohm cho rằng Georg Friedrich Treitschke, người soạn thảo phần lời cuối cùng cho vở opera Fidelio của Beethoven mới là tác giả chính thức.

Phân tích tác phẩm Choral Fantasy

Fantasy hợp xướng mở đầu bằng một đoạn độc tấu dài 26 ô nhịp (Adagio) mang tính chất ngẫu hứng dành cho piano độc tấu ở giọng Đô thứ. Âm nhạc chuyển sang giọng Đô trưởng trước khi quay trở lại với giọng Đô thứ. Dàn nhạc gia nhập (Finale. Allegro), cello và double bass bắt đầu một chủ đề đóng vai trò phần giới thiệu. Sau đó, piano bắt đầu chủ đề chính của toàn bộ tác phẩm (Meno allegro (Allegretto)). Giai điệu này trước đó đã được nhà soạn nhạc sử dụng trong bài hát Gegenliebe, WoO. 118 (1795) của mình. Phần tiếp theo là những biến tấu dựa trên chủ đề chính này được chơi trên flute, oboe, clarinet và dàn dây với piano đóng vai trò nhạc cụ đệm. Toàn bộ dàn nhạc tiếp quản chủ đề này ở âm lượng forte trước khi piano chơi một giai điệu trữ tình (Allegro molto). Dàn nhạc đệm cho piano chơi những nốt móc đơn mạnh mẽ, âm nhạc chuyển từ Đô thứ sang Đô trưởng.

Nhịp điệu trở nên chậm hơn, âm nhạc chuyển sang giọng La trưởng (Adagio ma non troppo) với một màn hỏi đáp giữa oboe, bassoon, horn và piano, dẫn tới đoạn nhạc theo kiểu hành khúc (Marcia, assai vivace), một biến tấu trên chủ đề chính ở giọng Pha trưởng. Chủ đề giới thiệu đầu tiên của cello và bass (Allegro) được tái hiện mở ra cho dàn hợp xướng xuất hiện. Phần hợp xướng (Allegretto ma non troppo quasi andante con moto) ở giọng Đô trưởng bắt đầu với soprano và contralto hát chủ đề chính của tác phẩm, tiếp theo là tenor và bass, sau đó là toàn bộ dàn hợp xướng và dàn nhạc tham gia trong một tutti. Phần coda (Presto) ở giọng Đô trưởng khép lại tác phẩm với sự có mặt của tất cả các thành phần tham dự: dàn nhạc, dàn hợp xướng và piano.

Buổi ra mắt Fantasy hợp xướng có thể coi là một thảm hoạ. Tác phẩm được sáng tác quá muộn nên dàn nhạc và hợp xướng hầu như không có thời gian tập (mực chưa khô trên những phân phổ thanh nhạc). Trong quá trình biểu diễn, giữa phần piano do Beethoven chơi và dàn nhạc đã không khớp nhau, lỗi đến từ phía nghệ sĩ độc tấu và phải dừng lại nửa chừng và chơi lại từ đầu. Sau buổi hoà nhạc, một nhóm nhạc công đã tỏ ra giận dữ và tuyên bố sẽ không bao giờ chơi cho Beethoven nữa. Ông đã xin lỗi dàn nhạc, nhận lỗi vì sự cố nhầm lẫn. Bất chấp những sự kiện đó, Fantasy hợp xướng là một tác phẩm được xây dựng tuyệt vời, có tính sáng tạo cao. Lời hát mặc dù không cao cả như Ode to Joy của Schiller, nhưng cũng tỏa ra một sự lạc quan tương tự về tinh thần của loài người cũng như sức mạnh của âm nhạc. Chúng ta thường nhắc đến Fantasy hợp xướng như là một bước chuẩn bị cho sự ra đời của bản Giao hưởng số 9 mười sáu năm sau đó. Sự tương đồng giữa Fantasy hợp xướng và chương cuối bản Giao hưởng số 9 lả rất rõ ràng. Tuy nhiên, bản thân tác phẩm cũng có những giá trị nghệ thuật sâu sắc, một bản nhạc đầy cuốn hút, sôi động và vô cùng độc đáo.

Ngọc Tú (nhaccodien.info) tổng hợp

Nguồn:
philharmonia.org
hollywoodbowl.com
runyanprogramnotes.com