Thông tin chung

Tác giả: Ludwig van Beethoven
Tác phẩm: “Triple” concerto giọng Đô trưởng, Op. 56
Thời gian sáng tác: Năm 1803-1804.
Công diễn lần đầu: Một buổi biểu diễn mang tính chất riêng tư diễn ra vào cuối tháng 5 – đầu tháng 6/1804 với tác giả chơi piano, Antonín Vranický (violin) và Anton Kraft (cello) tại lâu đài của hoàng thân Franz Joseph von Lobkowitz. Buổi biểu diễn chính thức đầu tiên diễn ra vào năm 1808 tại Leipzig, Đức.
Độ dài: Khoảng 40 phút.
Đề tặng: Tác phẩm được đề tặng cho hoàng thân Franz Joseph von Lobkowitz.
Tác phẩm có 3 chương:
Chương I – Allegro
Chương II – Largo
Chương III – Rondo alla (polacca)
Thành phần dàn nhạc: Violin, cello và piano độc tấu, flute, 2 oboe, 2 clarinet, 2 bassoon, 2 horn, 2 trumpet, timpani và dàn dây.

Hoàn cảnh sáng tác

Thời điểm năm 1803 bắt đầu cho một giai đoạn sáng tác mới của Beethoven, thời kỳ được coi là sung sức nhất của nhà soạn nhạc. Với bản giao hưởng số 3 “Eroica” vừa hoàn thành, thế giới của các tác phẩm khí nhạc quy mô lớn không bao giờ trở lại như trước nữa. Trong thời gian viết các piano sonata “Waldstein” và “Appassionata”, piano concerto số 4 và phiên bản đầu của vở opera duy nhất Fidelio, Beethoven đã hoàn thành bản concerto cho violin, cello và piano giọng Đô trưởng, Op. 56 mà ta hay gọi tắt là “Triple concerto”. Một bản concerto viết cho 3 nhạc cụ đặc biệt như vậy chắc chắn không thể bị ngó lơ. Nhưng thực sự đây là lại tác phẩm từng bị lãng quên và ít được biểu diễn nhất so với những bản nhạc có cùng quy mô khác. Bên cạnh đó, Triple concerto đã từng bị các nhà phê bình chê bai ngay từ khi ra mắt.

Quá trình sáng tác và ngày công diễn lần đầu “Triple concerto” thường được hiểu sai. Nguyên nhân là do nhiều người dựa vào thông tin do Anton Schindler, thư ký không đáng tin cậy của Beethoven, người đã cho biết rằng bản concerto được biểu diễn lần đầu vào mùa hè năm 1808 với Archduke Rudolf (piano), August Seidler (violin) và Anton Kraft (cello). Cũng theo Schindler, tác phẩm này ban đầu vốn được dành tặng cho Rudolf và nhiều người cũng tin như vậy với lí do phần piano được cho là khá đơn giản, không có chất lượng tương xứng với yêu cầu của một concerto vì Rudolf lúc này vẫn còn là một cậu bé. Tuy nhiên, cho đến ngày nay vẫn chưa tìm thấy bằng chứng cho thẩy Rudolf đã từng biểu diễn tác phẩm này và khi xuất bản, Beethoven đã đề tặng tác phẩm cho hoàng thân Lobkowitz.

Trên thực tế, các buổi diễn tập và và biểu diễn đầu tiên diễn ra ngay sau khi tác phẩm được hoàn thành tại lâu đài của nhà bảo trợ và bạn của Beethoven, hoàng thân Lobkowitz vào cuối tháng 5, đầu tháng 6/1804 với tác giả đảm nhiệm phần piano, Antonín Vranický (violin) và Anton Kraft (người được Haydn đề tặng bản cello concerto số 2) chơi cello. Tuy nhiên, không có ghi chép nào cho thấy phản ứng của khán giả cũng như chính tác giả về buổi biểu diễn này (cũng là lần ra mắt đầu tiên của bản giao hưởng số 3 “Eroica”). Buổi biểu diễn chính thức đầu tiên xảy ra vào tháng 4/1808 tại Leipzig, Đức và một bài báo trên tờ Allgemeine musikalische Zeitung không hề đánh giá cao tác phẩm.

Beethoven đã tạo ra cho mình một nhiệm vụ không dễ dàng. Có nhiều vấn đề cần phải giải quyết: cân bằng 3 âm thanh khác nhau rõ ràng của các nhạc cụ độc tấu với dàn nhạc; phân bổ chủ đề một cách đồng đều cho 4 thành phần; 3 nhạc cụ độc tấu có hoạt động riêng biệt hay như một trio; tạo ra các chất liệu âm nhạc đủ súc tích để dễ quản lý nhưng đồng thời cũng phải đủ linh hoạt để kết nối tất cả. Về vấn đề cân bằng, Beethoven vì nhận thức rằng cello rất có thể bị lạc lối trong sự xáo trộn âm thanh nên đã bù đắp quá mức bằng cách tạo sự nổi bật cho nhạc cụ này khi luôn cho cello xuất hiện đầu tiên và giới thiệu hầu hết các chủ đề âm nhạc chính.

Phân tích tác phẩm

Chương I mở đầu một cách lặng lẽ, chủ đề đầu tiên bí ẩn xuất hiện trên bè cello và double bass. Dàn nhạc chơi với âm lượng tăng dần giới thiệu cả ba chủ đề cho đến khi cello nhập cuộc với chủ để chính đầu tiên. Sau đó lần lượt là violin và piano. Mỗi một nghệ sĩ độc tấu đều quay trở lại với ba chủ đề, hoặc ít nhất là một phần của nó. Phần phát triển mở ra cơ hội cho ba nhạc cụ đối thoại với nhau. Dàn nhạc cũng có dịp để chứng tỏ mình nhưng hầu hết chương nhạc chỉ làm nền. Phần tái hiện cho phép các nghệ sĩ độc tấu trình diễn lại các chủ đề ban đầu, dẫn đến một coda đẩy nhanh tiết tấu của chương nhạc. Không xuất hiện một cadenza như thông lệ, điều này cho thấy soạn một cadenza cho 3 nhạc cụ độc tấu là một công việc không hề đơn giản. Cách xử lý độc đáo của Beethoven đối với hình thức sonata trong chương này được coi là một nỗ lực nhằm kiểm soát các chất liệu âm nhạc vốn có trong việc kết hợp một piano trio vào một bản concerto, để chương nhạc có độ dài hợp lý. Dàn nhạc chơi các hợp âm mạnh mẽ và các nhạc cụ độc tấu khép lại chương nhạc.

Chương II được nhà phê bình âm nhạc Michael Steinberg nhận xét: “một chương nhạc ngắn, mãnh liệt, không có phần phát triển và là màn giới thiệu cho chương cuối”. Dàn nhạc bắt đầu bằng một không khí trang nghiêm, yên tĩnh ở giọng La giáng trưởng, nhịp 3/8 – một nhịp không thường gặp ở Beethoven trong các bản concerto (cũng đã xuất hiện trong piano concerto số 3). Lại là cello với chủ đề chính của chương, sau đó được piano tô điểm. Sau đó là màn song ca say đắm giữa cello và violin trên nền du dương tuyệt đep của piano. Một phần ngắn, u tối của dàn nhạc tiếp nối, mở ra một loạt các biến tấu ngắn trong cuộc đối thoại của các nhạc cụ độc tấu, dẫn đến chương cuối được chơi không ngừng nghỉ (attacca). Beethoven đã sử dụng attacca khá nhiều trong giai đoạn này, ví dụ như các giao hưởng số 5 và 6 cũng như piano concerto số 5 và tứ tấu đàn dây số 10 “Harp” sau đó.

Vẫn là cello mở đầu chương III theo phong cách của một polonaise, một lựa chọn phổ biến cho phẩn rondo của thời kỳ này, tuy nhiên Beethoven chỉ sử dụng 3 lần. Hai lần còn lại là Serenade cho violin, viola và cello, Op. 8 và Polonaise, Op. 89. Chương nhạc này xuất hiện rất nhiều chủ đề và tất cả đều nhịp nhàng ăn khớp với “polacca”. Âm nhạc chuyển sang giọng thứ với các nhạc cụ độc tấu luân phiên trình tấu các chủ đề và đệm cho nhau, trong khi dàn nhạc tô điểm thêm màu sắc. Polonaise trở lại, với một tiết tấu nhanh hơn mang đến một cái kết ấn tượng cho tác phẩm.

cobeo